Hầu hết các anh chị khi chọn mua các thiết bị thí nghiệm thường quan tâm đến chức năng, thông số kỹ thuật và giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, có đôi lúc lại không mua được sản phẩm ưng ý. Hoặc mua xong về đắp mềm, vì không dám sử dụng, vì không biết sử dụng, hoặc mua sai sản phẩm mình cần. Việc này có lẽ các anh chị lâu năm nge rất buồn cười. Nhưng thực tế lại có kha khá anh chị gặp phải trường hợp đã nêu.
Vì vậy, mình đưa ra một số yếu tố căn bản nhất để chọn lựa thiết bị trong phòng thí nghiệm.
An toàn
Đây là ưu tiên hàng đầu trước khi chọn thiết bị thí nghiệm. Có 1 vài phòng thí nghiệm đã bị hoả hoạn, nguyên nhân khách quan và chủ quan đều có và nguyên nhân do thiết bị kém đã xảy ra rồi. Hậu quả là tổn thất rất nhiều, tiền bạc, công sức, kết quả nghiên cứu, dây chuyền…
+ ++ Câu chuyện thực tế: Cách đây vài năm, mình có giao 2 nồi hấp tiệt trùng Trung Quốc mới hoàn toàn, 1 loại 200 lít/3pha cho khách hàng khu vực miền Tây, và 1 nồi hấp nhỏ ra miền Trung. 2 nồi phát bệnh cả 2. Nồi 200 lít cháy CB liên tục, cuối cùng mở banh cái nồi hấp ra, cộng dây đồng hở 2 đốt ngón tay, chập mạch đen xì.. May mắn là chưa có sự cố. Vì sự cố cháy nổ nồi hấp sẽ rất kinh khủng. Kỹ thuật đi lại đường dây mới hoàn toàn – Mất rất nhiều thời gian và tiền bạc, niềm tin và công sức. Đây là bài học đầu tiên về chọn sản phẩm thí nghiệm an toàn của mình.
Vậy làm sao biết thiết bị thí nghiệm có an toàn hay không? À.. mà nhà cung cấp, đại lý nào lại nói thiết bị mình không an toàn vậy? Bạn có thể tham khảo ý kiến bên dưới:
+++ Trước khi quan tâm tới thông số, hãy quan tâm sản phẩm đến từ đâu, ai làm ra nó? Các sản phẩm xuất xứ châu Âu, Mỹ, Nhật luôn đòi hỏi cực kỳ khắt khe khi lưu hành trên thị trường. Bên cạnh đó, các hãng danh tiếng có tuổi đời lâu thường có những thiết bị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về độ an toàn. Họ có đầy đủ các chứng nhận về ISO hay các chứng nhận sản xuất tiêu chuẩn khác. Bạn có thể yêu cầu nhà cung cấp các giấy tờ này nhé!
+ ++ Thay vì đọc catalogue, Brochue sản phẩm, bạn hãy đọc Manual User, Hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Các brochue, (gọi là tờ bướm cũng được) sẽ đưa các hình ảnh thật bắt mắt và ngắn gọn các ưu điểm và tính năng cho khách hàng xem xét. Còn hướng dẫn sử dụng lại cho bạn các yếu tố mà bạn cần. Sản phẩm có đáp ứng các tiêu chuẩn, có cảnh báo an toàn nào lưu ý hay không.
+++ Mà lưu ý nhé: Điều kiện vận hành cũng quyết định sự an toàn sản phẩm đấy bạn. Đến lúc đổi thừa tại thiết bị không an toàn thì oan cho nó lắm.
Phù hợp
Chọn được sản phẩm phù hợp, làm được việc mình muốn, bạn đã thành công bước đầu rồi đấy. Giá thành hãy quan tâm sau đi. Chọn không đúng sản phẩm thì đắp mềm cái sản phẩm ấy, đắp luôn cái ý tưởng, cái dự án mình muốn làm. Mà khả năng được sếp “lưu ý” nhiều hơn trong thời gian tới nữa chứ (hạnh phúc trôi ngang hững hờ phải không)
Vậy muốn chọn được sản phẩm phù hợp thì sao? Lựa chọn đầu tiên là bạn sẽ nhờ chuyên gia tư vấn, kế đến là nhà cung cấp tư vấn và kế đến là đồng nghiệp, thầy cô tư vấn. OK, rất chính xác, nhưng NỘI CÔNG lúc nào cũng là thứ cực kì quan trọng. Bạn có thể bị rối bởi các lời khuyên trái chiều nhau, hoặc chưa hiểu nhau nên các tư vấn đấy bị lạc khỏi yêu cầu ban đầu. Luyện chút NỘI CÔNG này nhé:
+++ Bạn phải xác định mình đang hoặc sắp làm cái gì? Có phương pháp chưa? Phương pháp ấy tiêu chuẩn chưa (do AOAC, ISO, ASTM, ICH, TCVN… hay do nội bộ ban hành đã qua thẩm định)? Yêu cầu của phương pháp với thiết bị là gì? Do là thời đại công nghệ thông tin, nên cái gì cũng tìm trên internet, và Google thành bác giáo sư của các giáo sư. Mà thật ra, ông thần Google cũng gài bao nhiêu cái bẫy. Ví dụ thực tế mình từng dành đến vài năm để tìm hiểu về Shelf – life sản phẩm (có những quyền sách đến 700 trang, đọc muốn sưng cả mắt). Ấy vậy mà trên mạng chia sẻ đến cả tá bài viết về shelf-life vô cùng đơn giản và ngắn gọn – mà thật ra sai bét sai bè, phương pháp không thuộc tổ chức, hội đồng nào thẩm định cả. Vì vậy các bạn khi tham khảo google, hãy lưu ý chút nhé.
+++ Khi biết mình làm gì và cần gì rồi thì mình tìm hiểu xem có bên nào đang làm giống mình không? Nhìn xem họ dùng cái gì? Đánh giá có hiệu quả không? Mình thi thoảng chia sẻ một số bài viết nhỏ về chọn sản phẩm. Các bạn có thể tìm hiểu nhé.
Thông số kỹ thuật
Thông số kỹ thuật nói lên khả năng làm việc của sản phẩm. Bởi thế các sản phẩm có khi đưa ra những thông số “KHỦNG BỐ” mà nếu các bạn nhìn phát mê ngay. Nhưng các bạn cần lưu ý nho nhỏ sau đây:
Thông số kỹ thuật hãng cung cấp là ở 1 điều kiện tiêu chuẩn nào xác định trước. Ví dụ, điện 220V/50-60Hz (điện Việt Nam mình thì chủ yếu là 50Hz), nhiệt độ môi trường 25oC, test đối với thiết bị không làm việc (không chạy mẫu, tải mẫu bằng không) hay test với điều kiện làm việc cực kỳ nhẹ nhàng. Nên cái anh máy có thông số mạnh chưa chắc ngon hơn anh máy có thông số bình thường. Quan trọng anh nào chạy thực tế nào tốt hơn thì ngon hơn thôi đúng không các bạn.
Các thông số kỹ thuật thông thường là riêng biệt, tách rời. Nhưng mà, cái máy nó hoạt động cùng lúc nhiều thông số thì bạn phải lưu ý đến giản đồ hoạt động của nó. Ví dụ đơn giản nhìn vào tủ vi khí hậu, ẩm thì có thông số ẩm, nhiệt có thông số nhiệt, thông số các hãng giống nhau đến mức gần như không khác biệt, ấy vậy mà giản đồ thì khác nhau kinh khủng. Nếu bạn chọn, bạn phải căn cứ vào các thông số hoạt động cùng lúc
Thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn yêu cầu. Mọi người cứ thích nhìn vào thông số để so sánh sản phẩm và dính vào cái bẫy “thông sỗ kỹ thuật”. Nếu bạn từng làm lâu năm trong nghề, bạn có chú ý là những anh máy thông số bình bình, nhìn cù lần, không bóng bẩy thường có sống lâu hơn, dai hơn mấy anh mà cái gì cũng nhất không? Đường dài mới biết ngựa hay là vậy đấy. Thông thường các thiết bị đáp ứng cực kì tốt các yêu cầu phòng thí nghiệm. Ví dụ như theo ASTM – E70 yêu cầu độ chính xác đo pH là từ 0,06 – 0,02 pH, các thiết bị thì hầu hết là đáp ưng đến độ chính xác lên đến 0,002 pH, hoặc đa phần các ứng dụng sấy gia nhiệt cho phép biến động nhiệt độ đến +/-2oC, nhưng thiết bị thì có thể làm được +/-0,5oC. Bạn biết yêu cầu thì bạn tuỳ chọn được cái mình cần, không bị hoang mang khi chọn lựa thôi.
Giá thành
Việc cuối cùng: Cân đối ngân sách.
Việc này thì gần như mình không có một lời khuyên nào cho các bạn cả.
Tuy nhiên cũng có một số thắc mắc nhỏ có thể anh chị sẽ bị vướng vào như:
+++ Tại sao cùng 1 sản phẩm 2 công ty bán giá khác nhau nhiều vậy? – Các bạn mua 1 sản phẩm thí nghiệm là các bạn đang mua 2 thứ: chính sản phẩm đó và dịch vụ đi kèm. Một số công ty bán được là được, bán xong là xong. Một số công ty lại luôn kèm các điều kiện bảo hành, bảo trì, dịch vụ tốt nhất nên giá sẽ cao hơn. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều theo đuổi chính sách dịch vụ tốt nhất đến khách hàng. Còn các công ty nhỏ thường ngược lại, mau chóng chốt đơn hàng là ưu tiên của họ.
+ ++ Tại sao cùng 1 sản phẩm 1 công ty bán mà giá bán khác nhau? – Do là chủ yếu thiết bị thí nghiệm là hàng nhập khẩu, nên phụ thuộc rất nhiều vào tỷ giá, ngoại trừ đồng đô la Mỹ, thì các đồng tiền như Euro, và đặc biệt là Yên Nhật tỷ giá có thể chênh lệch 10-20% tuỳ thời điểm.
+ ++ Tại sao 1 sản phẩm 1 công ty bán 1 thời điểm đặt hàng lại có giá bán khác nhau? – Sự biến động giá này phụ thuộc vào thời điểm nhận hàng (đi Air sẽ đắt hơn đi hàng Sea). Nếu bạn cần hàng gấp, công ty sẽ đi đơn lẻ, mọi chi phí hải quan, vận chuyển, thủ tục khác đều được tính cho 1 kiện hàng. Nếu bạn chờ được lâu, hoặc thậm chí rất lâu, các chi phí sẽ được chia đều cho mỗi sản phẩm, giá sẽ tốt hơn.
+++ Bạn mua được sản phẩm tốt, lại kèm thêm dịch vụ tốt, mà giá tốt khi công ty, nhà phân phối có thời điểm thúc đẩy doanh số, hoặc giải phóng hàng tồn kho. Thông thường 1 năm, chương trình này chỉ diễn ra có vài tuần. Và theo định luật Murphy, có khi nó đến sớm quá hoặc có khi nó lại hay trễ quá…